Nhận thấy tình trạng bỏ ruộng hoang gây lãng phí nguồn lực đất đai, bà Ngô Thị Duệ, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đang sinh sống tại thôn Khả Lạc, xã Đồng Tân đã mạnh dạn đề xuất với Hội đồng quản trị HTX 2 thôn Khả Lạc và Tứ Kỳ (xã Đồng Tân) cho thuê lại ruộng để cấy lúa. Và bà đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ của HTX NN Tứ Kỳ cho thuê với diện tích 2,5 mẫu. Để sản xuất theo hình thức cánh đồng mẫu lớn, bà tiếp tục đàm phán, thuyết phục, vận động 34 hộ gia đình nhượng lại, cho mượn ruộng với diện tích 6 mẫu. Năm 2024, bà đã triển khai cấy giống lúa Nếp 97 trên toàn bộ 8,5 mẫu đã thuê. Trong quá trình canh tác, bà đã đầu tư máy làm đất khơi thông dòng chảy, đào đắp bờ vùng và ứng dụng máy bay không người lái trong gieo sạ, phun thuốc trừ cỏ, trừ ốc, phòng trừ sâu bệnh…
Bà Ngô Thị Duệ bên con đường được lắp đặt đèn năng lượng mặt trời.
Nhờ áp dụng cơ giới trong sản xuất, nên diện tích lúa của bà sinh trưởng, phát triển tốt, giảm được chi phí đầu tư. Toàn bộ số tiền lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí sản xuất, bà đã đóng góp để cùng chung tay xây dựng quê hương. Trong đó, bà đã ủng hộ 10 triệu đồng lắp đặt đèn năng lượng mặt trời tại trục đường giao thông đi vào làng, sân chơi cộng đồng tại nhà văn hóa…
Từ thực tế sản xuất và kết quả đạt được, nhiều người dân quanh vùng đã tìm đến bà để học hỏi kinh nghiệm. Bản thân bà cũng sẵn sàng chia sẻ và động viên mọi người nên áp dụng ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông nghiệp. Bà hy vọng việc làm của mình sẽ truyền cảm hứng cho người dân mạnh dạn đầu tư, từng bước làm thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp, tích cực sản xuất để tăng thu nhập cho gia đình, xây dựng quê hương.
Bà Ngô Thị Duệ cũng đã rất tích cực trong quá trình triển khai mô hình phân loại rác trên địa bàn huyện. Với vai trò là Phó Chủ tịch Hội liên hiệp Phụ nữ huyện, bà đã tham gia học tập kinh nghiệm tại các địa bàn trên thành phố Hà Nội và sưu tầm tài liệu để xây dựng bài giảng triển khai mô hình phân loại và xử lý rác tại nguồn đến 29/29 xã, thị trấn trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, bà đã liên hệ với Công ty CP Nông nghiệp hữu cơ để trao đổi cụ thể về cách thức chế biến men IMO bằng các nguyên liệu sẵn có như: Cám gạo, đường mía, chuối, sữa chua, men rượu... Từ đó bà đã thường xuyên hướng dẫn hội viên và nhân dân tự sản xuất men, cách phân loại rác, cách sử dụng sản phẩm sau khi phân loại và ứng dụng của men IMO trong sản xuất. Trong đó, năm 2024 bà đã chủ động thực hiện tổ chức tập huấn cho 11 xã với 495 đại biểu tham dự, hướng dẫn cách sử dụng men IMO để xử lý rơm rạ trên đồng ruộng góp phần giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất cây trồng và giữ gìn môi trường trong sạch hơn.
Đồng thời hướng dẫn sử dụng men IMO để tạo ra các sản phẩm sinh học, an toàn như: nước rửa bát, dầu gội đầu, thuốc Bảo vệ thực vật, thuốc phun trừ ruồi muỗi, làm thức ăn chăn nuôi, đệm lót chuồng trại; Xử lý cống rãnh, bồn cầu …
Bà Ngô Thị Duệ (áo trắng bên trái) hướng dẫn hội viên nông dân xã Viên Nội phương pháp ủ phân hữu cơtù các phụ phẩm nông sản.
Để nâng cao hơn nữa công tác bảo vệ môi trường với nhiều đối tượng, ngoài hội viên hội Phụ nữ, bà đã đề xuất với Hội LHPN huyện phối hợp với Phòng Giáo dục và đào tạo huyện xây dựng kế hoạch tổ chức tuyên truyền, phổ biến phân loại rác tại các nhà trường. Mục đích nhằm giúp em học sinh được tiếp cận thông tin và sớm hình thành thói quen cùng gia đình thực hiện tốt việc phân loại, xử lý rác thải tại nguồn cũng như nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Bà Ngô Thị Duệ trao hỗ trợ cho gia đình bà Nguyệt thông Khả Lạc, xã Đồng Tân
Với tinh thần "Chung tay vì phụ nữ nghèo", năm 2024, bà Duệ đã đề nghị các cơ quan của huyện Ứng Hòa giúp đỡ 150 triệu đồng xây dựng "Mái ấm tình thương" cho gia đình bà Lưu Thị Nguyệt, tại thôn Khả Lạc, xã Đồng Tân. (Bà Nguyệt là con liệt sỹ, mẹ đơn thân nuôi con, bản thân bà Nguyệt vừa phải chăm sóc mẹ già 85 tuổi, vừa phải chăm con gái bị bệnh thần kinh không ổn định; gia đình thuộc diện cận nghèo, nhà ở cấp 4 đã xuống cấp, dột nát và không có khả năng xây nhà mới). Đồng thời bà Ngô Thị Duệ đã vận động chị em phụ nữ trong thôn tham gia lao động, hỗ trợ 30 ngày công để dọn dẹp, phụ hồ giúp gia đình. Bản thân bà Duệ và gia đình đã ủng hộ gia đình bà Lưu Thị Nguyệt 20 triệu đồng xây dựng nhà mới.
Những việc làm ý nghĩa của bà Ngô Thị Duệ đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của các cấp chính quyền cũng như hội viên và nhân dân, góp phần chia sẻ và lan toả những giá trị tốt đẹp trong cộng đồng./.