Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hồi 19 giờ ngày 19.7, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 21,1 độ vĩ bắc; 117,7 độ kinh đông, trên vùng biển phía đông bắc khu vực bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 - 11 (89 - 117km/giờ), giật cấp 14. Bão di chuyển theo hướng tây tây bắc với tốc độ khoảng 20 - 25km/h.
Bão mạnh lên trong 24 giờ tới, có thể giật cấp 15
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây bắc, sau đó là tây với tốc độ 20 - 25km/h và có khả năng mạnh thêm.
Đến 19 giờ ngày 20.7, vị trí tâm bão ở khoảng 21,5 độ vĩ bắc; 112,2 độ kinh đông, trên vùng biển phía tây bắc khu vực bắc Biển Đông, cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 220km về phía đông.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11 - 12, giật cấp 15. Vùng nguy hiểm được xác định từ 19 đến 23 độ vĩ bắc, trong phạm vi 110,5 đến 120 độ kinh đông. Cấp độ rủi ro thiên tai là cấp 3, khu vực chịu ảnh hưởng là vùng biển phía bắc khu vực bắc Biển Đông.
Dự báo trong 48 giờ tới, bão di chuyển theo hướng tây tây nam với tốc độ khoảng 15km/h.
Đến 19 giờ ngày 21.7, vị trí tâm bão ở khoảng 20,9 độ vĩ bắc; 108,5 độ kinh đông, trên vùng biển bắc Vịnh Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 - 11, giật cấp 13.
Vùng nguy hiểm được xác định phía bắc 19,5 độ vĩ bắc, phía tây 114 độ kinh đông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3, khu vực chịu ảnh hưởng là vùng biển phía tây bắc khu vực bắc Biển Đông và vùng biển Vịnh Bắc Bộ.
Dự báo trong 72 giờ tới, bão tiếp tục di chuyển theo hướng tây tây nam với tốc độ 10 - 15km/h và suy yếu dần.
Đến 19 giờ ngày 22.7, vị trí tâm bão ở khoảng 20,3 độ vĩ bắc; 105,7 độ kinh đông, trên đất liền đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hoá. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10.
Vùng nguy hiểm trên Biển Đông được xác định phía bắc 19 độ vĩ bắc, phía tây 110,5 độ kinh đông. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 3, khu vực chịu ảnh hưởng là vùng biển vịnh Bắc Bộ.
Từ 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây nam, mỗi giờ đi được 5 - 10km và tiếp tục suy yếu thêm.
Vùng ảnh hưởng rộng, bão tác động mạnh trước khi đổ bộ
Về tác động của bão trên biển, vùng biển phía bắc khu vực bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 8 - 10, vùng gần tâm bão đi qua cấp 11 - 12, giật cấp 15, sóng biển cao 5 - 7m, biển động dữ dội.
Từ ngày 21.7, vùng biển bắc Vịnh Bắc Bộ, bao gồm các khu vực Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải, Cát Bà có gió mạnh dần lên cấp 6 - 7, sau tăng lên cấp 8 - 9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10 - 11, giật cấp 14; sóng biển cao 2 - 4m, vùng gần tâm 3 - 5m; biển động dữ dội.
Từ chiều 21.7, vùng biển nam Vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11; sóng biển cao 2 - 4m; biển động rất mạnh. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm có nguy cơ cao chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh và sóng lớn.
Trên đất liền, tác động của bão diễn ra từ sớm trước khi bão đổ bộ. Rìa hoàn lưu phía tây cơn bão có thể gây mưa dông trước bão cho đất liền nước ta từ chiều tối và đêm mai 20.7.
Từ chiều 21.7 đến ngày 23.7, do tác động của bão số 3 Wipha, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có khả năng xảy ra một đợt mưa lớn diện rộng với lượng mưa phổ biến 100 - 200mm, cục bộ có nơi trên 300mm.
Riêng khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200 - 350mm, cục bộ có nơi trên 600mm.
Theo cơ quan khí tượng, các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, ven biển tỉnh Hưng Yên, Ninh Bình, Thanh Hóa được dự báo chịu tác động của bão mạnh nhất. Cảnh báo nguy cơ mưa có cường suất lớn trên 150mm trong 3 giờ.