Đẩy mạnh tập huấn chuyển đổi số trên địa bàn huyện
Xác định rõ cải cách hành chính (CCHC) là giải pháp then chốt thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Trong 5 năm qua, huyện Ứng Hoà đã tập trung đẩy mạnh CCHC toàn diện trên nhiều lĩnh vực và đạt được kết quả quan trọng.
UBND huyện đã ban hành các Quyết định thành lập, kiện toàn và quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo CCHC phù hợp với từng thời kỳ (sau hợp nhất thành Ban chỉ đạo CCHC, chuyển đổi số và Đề án 06 huyện); phân công nhiệm vụ cụ thể trong thực hiện công tác CCHC. Từ năm 2020 đến nay, công tác theo dõi, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ CCHC của huyện đã được tiến hành và thường xuyên đổi mới, hoàn thiện thông qua việc xác định chỉ số CCHC và khảo sát, đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước bằng các tiêu chí cụ thể, sát với yêu cầu nhiệm vụ CCHC của từng năm.
Đối với cải cách thể chế:
Huyện đẩy mạnh nâng cao chất lượng công tác xây dựng văn bản Quy phạm pháp luật và đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả thực thi pháp luật:
- Hàng năm, UBND huyện đã ban hành các Kế hoạch kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) trên địa bàn huyện.
- UBND huyện, Hội đồng PBGDPL huyện tổ chức các hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật để triển khai thi hành các Luật mới có hiệu lực thi hành; tổ chưc bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ hòa giải và phổ biến giáo dục pháp luật.
Bình quân, các tổ hòa giải ở cơ sở tại các xã, thị trấn đã tiếp nhận và hòa giải thành công hơn 80% số vụ việc phát sinh góp phần xây dựng môi trường đoàn kết trong thôn xóm, cụm dân cư, giữ vững an ninh, trật tự xã hội để phát triển kinh tế trên địa bàn.
Về cải cách thủ tục hành chính
được UBND huyện coi là nội dung trọng tâm của CCHC, là khâu đột phá nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn huyện. Mục tiêu hướng tới của cải cách TTHC là bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, giảm chi phí và rút ngắn tối đa thời gian giải quyết TTHC, phục vụ kịp thời yêu cầu của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Bằng nhiều giải pháp đồng bộ, khả thi và áp dụng các sáng kiến, giải pháp mới trong công tác cải cách TTHC thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều TTHC được đề xuất đơn giản hóa, cắt giảm chi phí, tiết kiệm thời gian giải quyết.
- Năm 2023, UBND huyện đã phê duyệt cắt giảm, đơn giản hóa 44 quy trình giải quyết công việc nội bộ ngoài TTHC của 12 cơ quan chuyên môn so với năm 2022 giảm 07 quy trình;
- Cắt giảm thời gian giải quyết 06 quy trình;
- Phê duyệt cắt giảm, đơn giản hóa 228 quy trình giải quyết công việc nội bộ ngoài TTHC của 29 xã, thị trấn so với năm 2022 giảm 15 quy trình;
- Cắt giảm thời gian giải quyết 67 quy trình đảm bảo nguyên tắc đúng quy định của Pháp luật. UBND huyện và UBND các xã, thị trấn tiếp tục duy trì việc tổ chức đối thoại định kỳ ít nhất 2 lần/ năm đối với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong TTHC và giải quyết TTHC trên địa bàn huyện.
Hiện nay, đội ngũ cán bộ, công chức làm việc tại bộ phận 1 cửa có đủ trình độ, năng lực chuyên môn đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Tính đến hết năm 2024, 100% các TTHC đã được Bộ phận một cửa huyện và Bộ phận một cửa các xã, thị trấn đã thực hiện tiếp nhận và giải quyết theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đảm bảo. Công tác tiếp nhận và giải quyết TTHC trên địa bàn huyện từ năm 2021 đến nay được đảm bảo, tỷ lệ hồ sơ giải quyết TTHC đúng hạn, trước hạn tiếp tục duy trì tỷ lệ cao bình quân đạt 99,8%, trong đó từ năm 2023 đến nay luôn duy trì tỷ lệ đúng hạn, trước hạn trả hồ sơ TTHC thực tế cho người dân, doanh nghiệp đạt 100%. Tỷ lệ hồ sơ TTHC được giải quyết thông qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (một phần, toàn trình) trên địa bàn huyện hàng năm đã được cải thiện, nâng cao từ 28,6% năm 2021 lên 71,8% tính đến hết quý I năm 2025.
Đặc biệt trong những năm qua, công tác CCHC huyện Ứng Hoà có nhiều đổi mới. UBND huyện và các xã, thị trấn đã áp dụng một số các sáng kiến, giải pháp mới trong việc tiếp nhận và giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức và doanh nghiệp như: Rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, mô hình giải quyết TTHC không chờ, mô hình Chính quyền thân thiện - Công dân thông thái (xã Minh Đức – được lọt vào tốp 30 sáng kiến của TP 2024); Thêm 30 phút vì dân.., Các sáng kiến, giải pháp đã đem lại hiệu quả thiết thực, tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại cho người dân, nâng cao hiệu quả giải quyết công việc, đem lại sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của các cơ quan hành chính trên địa bàn huyện.
Đối với cải cách tổ chức bộ máy hành chính
UBND huyện đã sáp nhập, tinh gọn giảm từ 29 xã, thị trấn xuống còn 20 xã, thị trấn; giảm từ 12 cơ quan chuyên môn xuống còn 10 cơ quan chuyên môn trực thuộc UBND huyện. UBND huyện đã đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo từ huyện đến cơ sở dựa trên chức năng, nhiệm vụ theo đúng Quy chế làm việc, phát huy vai trò lãnh đạo của tập thể gắn với đề cao trách nhiệm cá nhân của Chủ tịch UBND huyện, các PCT UBND huyện và từng thành viên UBND huyện; bám sát nhiệm vụ lĩnh vực được phân công, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động trong điều hành, xử lý, giải quyết công việc thuộc phạm vi, trách nhiệm lĩnh vực được giao. Công tác quản lý đội ngũ cán bộ, công chức tiếp tục được cải cách theo hướng rõ hơn về phân công và phân cấp, góp phần tạo ra chuyển biến tích cực trong hoạt động của chính quyền địa phương từ huyện đến xã.
Đối với cải cách chế độ công vụ
Trong chế độ công vụ, nhất là công tác tuyển dụng công chức, viên chức có những đổi mới theo từng năm trong cách thức tổ chức, nhằm nâng cao chất lượng thi tuyển, xét tuyển, từ đó lựa chọn được người có phẩm chất, trình độ và năng lực để tuyển dụng. Thông qua phương pháp xác định cơ cấu tuyển dụng dựa trên trình độ chuyên môn, kỹ năng, chuyên ngành đào tạo theo từng vị trí việc làm yêu cầu. Từ năm 2021 đến năm 2024, UBND huyện đã tổ chức tuyển dụng được 173 viên chức làm việc tại các trường MN, TH, THCS, TT GDNN - GDTX thuộc huyện. Ngoài ra, còn tổ chức tiếp nhận vào viên chức không qua thi tuyền 23 công chức xã và viên chức làm việc tại đơn vị sự nghiệp, xét tuyển vào công chức cấp xã chức danh Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự một số xã.
Hàng năm, UBND huyện đã ban hành các Kế hoạch đào tạo bồi dưỡng, đồng thời phối hợp với Trung tâm chính trị huyện tổ chức mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; đồng thời cứ cán bộ, công chức, viên chức tham gia đào tạo, bồi dưỡng tại các trường, lớp do Trung ương, Thành phố mở. Đồng thời triển khai rà soát, xây dựng và cập nhật cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức trên hệ thống phần mềm hồ sơ dữ liệu CBCCVC điện tử của Thành phố. Đến nay, 100% CBCCVC thuộc huyện đã được khai báo, tạo lập hồ sơ điện tử.
Đẩy mạnh tuyên truyền, cũng như các cuộc thi về CCHC trên địa bàn huyện
Đối với cải cách tài chính công: Huyện đã đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách, cơ chế tài chính đối với các cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Thực hiện chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí quản lý hành chính tại huyện, 100% các đơn vị dự toán của huyện xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ theo đúng quy định.
Cùng với các hoạt động trên, UBND huyện chú trọng xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số như triển khai nâng cấp trang thiết bị công nghệ thông tin tại các phòng chuyên môn thuộc huyện, bộ phận một cửa của huyện; UBND các xã, thị trấn nhằm phục vụ tốt cho công tác giải quyết TTHC. UBND huyện tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về chính quyền số và bảo đảm an toàn, anh ninh mạng; Tổ chức hội thảo Chuyển đổi số với chủ đề "Ứng dụng AI trong công việc và cuộc sống" nhằm thúc đẩy việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội;....
Với những kết quả trên, chỉ số CCHC của huyện đã có sự chuyển mình, tăng trưởng đáng kể, năm 2024 chỉ số CCHC tăng 02 bậc so với năm 2023 và 12 bậc so với năm 2021, tiếp cận gần đến nhóm 2 (nhóm các quận, huyện có chỉ số khá trong Thành phố). Trong giai đoạn 2021 – 2025, UBND huyện đã ghi nhận và khen thưởng cho 30 tập thể, 30 cá nhân có thành tích nổi bật về kết quả chỉ số CCHC của các cơ quan, đơn vị cũng như trong triển khai, áp dụng các sáng kiến về CCHC tại địa phương.
Bên cạnh những kết quả đã được, trong những năm qua, công tác CCHC trên địa bàn huyện còn có những khó khăn, hạn chế cần khắc phục như: một số nội dung CCHC chưa tạo được sự đột phá, nên các chỉ số CCHC tuy có chuyển biến tích cực nhưng kết quả thiếu tính ổn định. Vẫn còn tình trạng hồ sơ bị trễ hạn, chậm muộn trên hệ thống phần mềm ở một số cơ sở. Tỷ lệ hồ sơ TTHC của người dân, tổ chức được giải quyết trực tuyến mức độ 4 (trực tuyến toàn trình) của các đơn vị còn thấp. Hệ thống công nghệ thông tin, cơ sở vật chất tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC của huyện và các xã, thị trấn vẫn cần được đầu tư, nâng cấp để đáp ứng được các yêu cầu theo lộ trình thực hiện Đề án mô hình Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC hiện đại các cấp…
Phát huy những kết quả đạt được và kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, trong thời gian tới cùng với việc sắp xếp lại bộ máy của hệ thống chính trị, khi kết thúc hoạt động của cấp huyện, cần tăng cường vai trò của cấp ủy, chính quyền cở sở, công tác CCHC càng cần có sự đổi mới quyết liệt, theo hướng đồng bộ, hiện đại đem lại hiệu quả thiết thực phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn. Xây dựng và phát triển Chính quyền điện tử, Chính quyền số là khâu đột phá trong CCHC đáp ứng yêu cầu "kỷ nguyên mới – kỷ nguyên vươn mình của dân tộc"./.